Thủ tục chuyển nhượng vốn góp trong công ty nước ngoài

Thủ tục chuyển nhượng vốn góp trong công ty nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện tại Khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư; Khoản 4 Điều 65 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Bà Võ Minh Thu đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn giải quyết tình huống như sau:

Công ty TNHH A 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động chính trong lĩnh vực may trang phục, có hai thành viên là cá nhân quốc tịch Đài Loan. Công ty có một chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa và một dự án đầu tư tại đây đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận nhà đầu tư của dự án là 2 thành viên của công ty A và tổ chức kinh tế thực hiện dự án là công ty A – chi nhánh Thanh Hóa. Hai thành viên công ty A dự định chuyển nhượng 100% vốn góp trong công ty A cho một công ty quốc tịch BVI.

Bà Thu hỏi, trong trường hợp trên, nhà đầu tư quốc tịch BVI có cần đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp với cơ quan đăng ký đầu tư khi mua phần vốn góp trong công ty A không?

Sau khi thực hiện thủ tục thay đổi thành viên của công ty A, công ty A có thể thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp tại tỉnh Thanh Hóa không? Nếu có, quy định áp dụng là quy định nào?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:

Công ty TNHH A (Công ty A) là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, có hai thành viên là cá nhân quốc tịch Đài Loan. Công ty A hoạt động chính trong lĩnh vực may trang phục. Hai thành viên công ty A dự định chuyển nhượng 100% vốn góp trong công ty A cho một công ty quốc tịch BVI (đề nghị xác nhận đây là quốc tịch British Virgin Island).

Theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện tại Khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư; Khoản 4 Điều 65 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ.

Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư và Điều 66 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Nhà đầu tư không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật có liên quan khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

Nhà đầu tư nước ngoài mua lại vốn góp có cần giấy phép?

Công ty TNHH KBL Việt Nam có dự định chuyển nhượng vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động phân phối hàng hóa (các sản phẩm, thiết bị văn phòng cho các tổ chức kinh tế như máy in, máy chiếu…) và kinh doanh dịch vụ nhà hàng.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty hỏi, hoạt động phân phối hàng hóa của công ty có phải xin giấy phép kinh doanh không? Hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà hàng có bán kèm các sản phẩm hàng hóa như nước ngọt, đồ ăn nhanh… có thuộc trường hợp phải xin giấy phép kinh doanh không?

Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 3 và Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ, Công ty TNHH KBL Việt Nam được quyền thực hiện hoạt động phân phối bán buôn hàng hoá cho các tổ chức khác để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi đăng ký thực hiện hoạt động này tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP.

Trường hợp Công ty bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng, Công ty phải thực hỉện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện quyền phân phối bán lẻ, theo quy định tại Khoản 7, Điều 3 và Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP.

Việc bán đồ uống (bia, nước ngọt) kèm theo dịch vụ nấu nướng và phục vụ thức ăn của nhà hàng là việc thực hiện dịch vụ có mã CPC 642. Theo quy định của Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, đến nay, hạn chế tiếp cận thị trường đối với dịch vụ có mã CPC 642 đã hết. Do vậy, Công ty được thực hiện dịch vụ này sau khi đăng ký tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ này theo quy định pháp luật (về vệ sinh an toàn thực phẩm, về kinh doanh bia… nếu có).

Việc bán đồ uống theo phương thức trên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 09/2018/ND-CP, do vậy Công ty TNHH KBL Việt Nam không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP.

Điều kiện chuyển nhượng vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài

Công ty cổ phần THT (Hà Nội) 100% vốn nhà đầu tư trong nước, chuyên sản xuất thiết bị y tế và kinh doanh bất động sản. Công ty muốn chuyển nhượng 60% vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty hỏi, Công ty có thể chuyển nhượng vốn góp được không? Nếu được phải làm thủ tục như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

– Ngành, nghề “sản xuất thiết bị y tế”: Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO chỉ áp dụng đối với các ngành dịch vụ và không điều chỉnh đối với các ngành sản xuất.

Ngành, nghề nói trên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO, không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời pháp luật Việt Nam không có quy định cấm, hạn chế đối với việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm nêu trên (Điều 6, Luật Đầu tư 2014).

– Ngành, nghề “kinh doanh bất động sản”: Phạm vi kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Khoản 3, Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư.

Chia sẻ

Contact Me on Zalo