Công ty cổ phần có bao nhiêu thành viên?
Ở Việt Nam hiện nay, trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, công ty cổ phần được coi là loại hình phổ biến nhất. Vậy công ty cổ phần có bao nhiêu thành viên? Có lẽ là thắc mắc của nhiều khách hàng khi tìm hiểu về công ty cổ phần. Do đó, Luật Việt Phú kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để dễ dàng nắm bắt thông tin và lựa chọn loại hình doanh nghiệp thành lập.
1. Thành viên trong công ty cổ phần là gì?
Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, thành viên trong công ty cổ phần được gọi với tên khác phổ biến hơn đó là cổ đông “là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.” (khoản 3 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020). Như vậy, có thể hiểu, cổ đông là người góp vốn vào công ty cổ phần, dưới hình thức mua lại số cổ phần đã phát hành hoặc quy đổi cổ phần theo Điều lệ của công ty hoặc luật doanh nghiệp.
2. Công ty cổ phần có bao nhiêu cổ đông?
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020:
“Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa”.
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định số lượng cổ đông tối thiểu của một công ty cổ phần ít nhất là 03. Đây được xem là một con số bình thường không quá nhiều hoặc quá ít đối với nhà đầu tư khi lựa chọn mô hình công ty cổ phần để thành lập. Theo chúng tôi, việc lý giải quy định cổ đông tối thiểu là 03 bở đây là số lẻ, dễ biểu quyết hoặc để phân biệt với các loại hình doanh nghiệp khác. Do đó, quy định này đưa ra là một sự bình thường chứ không phải vì một lý do bắt buộc nào khác. Nếu quy định cổ đông trong công ty chỉ là con số 01 hoặc 02 thì nó không đủ để có thể phát huy được những đặc điểm khác biệt của công ty cổ phần so với công ty TNHH.
Ngoài ra, pháp luật không hạn chế số lượng tối đa cổ đông trong một công ty cổ phần cho thấy đặc trưng đối vốn đặc biệt của CTCP so với công ty TNHH. Đó cũng là một lợi thế lớn khi công ty muốn kết nạp thêm thành viên để dễ dàng huy động vốn, phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh.
Cổ đông trong công ty cổ phần có thể là tổ chức, cá nhân ngoại trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, đó là:
“2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.”
3. Phân loại cổ đông trong công ty cổ phần
Liên quan tới các loại cổ đông, Luật Doanh nghiệp 2020 chia cổ đông thành ba loại chính tương ứng với các loại cổ phần hiện nay bao gồm:
– Cổ đông sáng lập: là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. (Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020). Nói cách khác, cổ đông sáng lập chính là người ban đầu đứng ra góp vốn thành lập công ty cổ phần, sở hữu những cổ phần phổ thông đầu tiên trong công ty cổ phần.
– Cổ đông phổ thông: người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.
– Cổ đông ưu đãi: Tương ứng với các loại cổ phần ưu đãi thì có các loại cổ đông ưu đãi như sau:
+ Cổ đông ưu đãi biểu quyết: Là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.
+ Cổ đông ưu đãi cổ tức: Là cổ đông sở hữu cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm.
+ Cổ đông ưu đãi hoàn lại: Là cổ đông sở hữu cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.
+ Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.
4. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp
Đối với công ty là một pháp nhân độc lập, CTCP chịu trách nhiệm trước các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của mình trong phạm vi giá trị tài sản của công ty. Đối với cổ đông của công ty thì cổ đông cũng chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp và đây được xem là chế độ trách nhiệm hữu hạn.
Với quy định trên thì khi công ty lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính và phát sinh các khoản nợ phải trả thì công ty chỉ có thể lấy số vốn trong phạm vi mà các cổ đông đã tiến hành góp để thực hiện các nghĩa vụ tài chính đó. Điều này xuất phát từ việc cổ đông chỉ nhận được phần cổ tức (nếu có) tương ứng với số vốn mà họ đã góp nên không có lý do nào mà họ phải chịu một phần nghĩa vụ lớn hơn phần lợi ích mà họ được hưởng.
Khi một tổ chức hay cá nhân mua cổ phần tức là họ đã chuyển dịch vốn của mình theo những phương thức nhất định vào CTCP và trở thành tài sản thuộc sở hữu của CTCP, nhưng cổ đông vẫn được hưởng các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ việc góp vốn. Và với tư cách là một pháp nhân, công ty có năng lực chủ thể độc lập, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình. Các quyền và nghĩa vụ của công ty hoàn toàn tách biệt khỏi các quyền và nghĩa vụ của cổ động vì công ty là chủ thể của quyền sở hữu công ty.
Vốn thuộc sở hữu công ty chính là giới hạn sự rủi ro tài chính của các cổ đông trên toàn bộ số vốn đã đầu tư vào công ty nên trách nhiệm của những cổ động đối với các nghĩa vụ của công ty được hạn chế trong phạm vi số vốn mà họ đã đầu tư. Xét trong sự tách bạch về tài sản thì các cổ đông không có quyền đối với tài sản của CTCP nên họ không chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của CTCP; CTCP chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình. Cả CTCP lẫn chủ nợ của công ty đều không có quyền kiện đòi tài sản của cổ đông (trừ trường hợp cổ đông nợ công ty do chưa đóng đủ tiền góp vốn hoặc chưa thanh toán đủ cho CTCP số tiền mua cổ phiếu phát hành).
Xuất phát từ sự tồn tại độc lập của CTCP so với các cổ đông nên CTCP có các quyền và nghĩa vụ về tài sản riêng. Do đó, các rủi ro của cổ đông khi đầu tư vào CTCP chỉ giới hạn trong số lượng giá trị cổ phiếu mà cô đông đó đầu tư.
Ngược lại, khi đầu tư vào công ty hợp danh (nếu nhà đầu tư tham gia với tư cách thành viên hợp danh) hay doanh nghiệp tư nhân thì mức độ gánh chịu rủi ro là vô hạn. Tính chịu trách nhiệm hữu hạn là một công cụ phòng ngừa rủi do cho nhà đầu tư. Vì thế, mô hình trách nhiệm hữu hạn và CTCP đã là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư xem xét lựa chọn mô hình doanh nghiệp.