(PLVN) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp (DN) do nhà nước giữ 100% vốn điều lệ.

Điều kiện bắt buộc thành lập DN nhà nước

Theo Nghị định, DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được xem xét thành lập khi đáp ứng đủ bốn điều kiện. Thứ nhất, có ngành, lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập DN theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Thứ hai, đảm bảo đủ vốn điều lệ theo quy định. Thứ ba, có Hồ sơ hợp lệ theo quy định. Thứ tư, việc thành lập DN phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.

Vẫn theo Nghị định, DN khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng. Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của DN khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.

Đối với DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần nhà nước đầu tư vốn để thành lập DN thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.

Về sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đối với việc hợp nhất, hai hoặc một số DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất với nhau thành một DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới (công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

Đối với việc sáp nhập, một hoặc một số DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Đối với với việc chia DN, một DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thể chia các tài sản, quyền, nghĩa vụ của công ty hiện có để thành lập hai hoặc nhiều DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị chia.

Về tách DN, một DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ của công ty hiện có để thành lập một hoặc một số DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mà không chấm dứt sự tồn tại của công ty bị tách.

Việc bán doanh nghiệp

Liên quan đến việc bán toàn bộ DN nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các trường hợp bán toàn bộ DN bao gồm: thuộc diện cổ phần hóa theo quy định nhưng không đáp dứng đủ điều kiện để thực hiện cổ phần hóa và được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển sang hình thức bán toàn bộ DN. Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị cảu cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Có 6 đối tượng không mua được mua DN nhà nước 100% vốn điều lệ. Thứ nhất, người không đủ năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá không nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

Thứ hai, tổ chức tài chính trung gian, cơ quan kiểm toán xác định giá trị DN và các cá nhân thuộc các tổ chức này trực tiếp giám định, định giá, kiểm toán DN; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá, kiểm toán DN. Tổ chức đấu giá DN và người làm việc trong tổ chức đấu giá DN thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá.

Thứ ba, người được cơ quan đại diện chủ sở hữu ủy quyền xử lý việc bán DN; người có quyền quyết định bán DN, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá DN.

Thứ tư, cha mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại đối tượng thứ ba trên.

Thứ năm, những người không có quyền thành lập và quản lý DN theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư liên quan đến các điều kiện về tiếp cận thị trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và pháp luật về đất đai./.

Hải Thanh

Chia sẻ