Tiếp nối với chuỗi bài viết Mua lại salon tóc sang nhượng – Nên hay không nên? để tránh rơi vào tình huống “Tiền mất tật mang”. Bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn một số bước lưu ý khi mua lại salon tóc sang nhượng như sau:

Bước 1: Khảo sát thị trường
Tương tự như việc mở một salon mới. Việc đầu tiên là bạn cần làm là phải khảo sát thị trường tại điểm đặt salon để biết được các yếu tố dưới đây có đảm bảo không?
Mặt bằng có thuận tiện không?
Lượng khách trong khu vực thế nào liệu có đáp ứng được mức doanh thu mà mình mong muốn không?
Mức độ dân trí trong khu vực thế nào? Họ có chú trọng trong việc chăm sóc sắc đẹp hay không?Mức độ chi trả thế nào? Có thể kiểm chứng qua việc sử dụng các dịch vụ khác xung quanh ví dụ như việc họ hay đi mua sắm, thường sử dụng đồ siêu thị, hoặc làm các dịch vụ khác như làm móng, chăm sóc da, spa…

Nghiên cứu lượng khách trong khu vực, mức độ dân trí trong khu vực

Bước 2: Xác minh các thông tin
Sau khi thấy được thị trường tiềm năng thì bạn cần xác minh các thông tin để đảm bảo rằng mình không bị “hớ” như:
Hợp đồng với chủ nhà thời gian bao lâu, có đủ dài theo yêu cầu kinh doanh của bạn hay không? Giá cho thuê có đúng với giá mà bên sang nhượng đăng không?
An ninh trật tự ở khu vực đặt salon như thế nào? Có vấn đề gì về mất trật tự an ninh từng xảy ra ở salon không?
Tìm hiểu tình trạng hoạt động của salon trước đó có vấn đề gì không? Có “phốt” gì liên quan tới khách hàng, nhân sự trong salon, chủ salon, nhà cho thuê địa điểm không?

Bước 3: Khảo sát chi phí thực tế

Khảo sát chi phí cho một salon

Chi phí cố định trong salon gồm những gì?
Chi phí thuê nhà là bao nhiêu?
Nếu là chung cư thì giá dịch vụ hàng tháng như thế nào?
Các chi phí phát sinh khác thì sao?
Giá tiền điện, nước, mạng… như thế nào?
Chi phí setup salon gồm những gì?
Salon có mấy gương, mấy ghế?
Máy móc hiện tại còn những gì, nhãn hiệu nào, giá mới là bao nhiêu?
Dụng cụ còn lại là gì? Còn sử dụng tốt không?

Sau khi liệt kê được các sản phẩm dụng cụ, cơ sở vật chất trong salon rồi thì các bạn cần tìm hiểu về giá cả thanh lý. Vì giá cả thanh lý trên thị trường sang nhượng hiện nay thường không tính theo một cơ sở nào cả, thường là thuận mua vừa bán. Bạn cần xác định rõ mình cần mua lại những gì, giá thanh lý chung của từng món đó trên thị trường là bao nhiêu? Hoặc tuỳ vào thời gian sử dụng, bạn nên chiết khấu phần trăm bao nhiêu so với giá gốc thì hợp lý.Ví dụ: Máy uốn trị giá khi mua mới là 6.000.000đ và niên hạn sử dụng là 3 năm. Salon đã sử dụng được 1 năm thì mình sẽ tính giá trị của máy uốn như sau:
Giá trị máy uốn thanh lý = (6.000.000 / 3 năm) * 2 năm = 4.000.000đ
Như vậy nếu giá trị máy uốn thanh lý <= 4.000.000đ thì có thể mua được. À chú ý kiểm tra xem các máy móc còn hoạt động ổn định không nhé các bạn.

Bước 4: Phân tích đối thủ cạnh tranh
Như các cụ có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” Vì vậy, Phân tích đối thủ để biết được điểm mạnh yếu, mức giá dịch vụ của đối thủ xung quanh điểm đặt salon sang nhượng từ đó đưa ra “phương án cạnh tranh” bằng điểm mạnh của mình và bảng giá phù hợp.

Phân tích các đối thủ cạnh tranh của bạn là bước không thể bỏ qua 

Ở bước này các bạn cần đưa ra giá dịch vụ của bạn. Có thể dựa vào 3 cách sau:
Cách 1: Giá dịch vụ = Mức giá chung của thị trường.
Cách 2: Giá dịch vụ = Chi phí sản phẩm cho 1 dịch vụ đó + Chi phí vận hành 1 dịch vụ đó + 30%
Cách 3: Giá dịch vụ = Mức giá bạn tự định ra vì bạn tạo được sự khác biệt so với đối thủ trong dịch vụ đó.

Theo mình thì mình sẽ phối hợp cả 3 cách trên để đưa ra một mức giá đảm bảo được tiêu chí có thể cạnh tranh được với đối thủ và vẫn tạo được sự khác biệt của dịch vụ mà không bị âm so với chi phí cần chi trả cho dịch vụ đó.

Bước 5: Chốt hợp đồng sang nhượng

Bước cuối cùng là ký kết hợp đồng 

Sau khi hoàn tất 4 bước trên, bạn đã nắm rõ được cụ thể thông tin của các bước nếu bước nào chưa thoả mãn thì bạn có thể đàm phán, thoả thuận lại với người muốn sang nhượng. Nếu 2 bên thống nhất được với nhau thì lúc này bạn có thể chốt hợp đồng sang nhượng và lên kế hoạch kinh doanh để phát triển salon của mình rồi.

Chia sẻ