Thật không khó để bắt gặp dòng chữ cần nhượng quán của những quán cafe, nhà hàng. Có thể thấy rằng có rất nhiều quán cafe nhà hàng đóng cửa sau thời gian kinh doanh.

Nếu bạn là người mới bắt đầu kinh doanh với số vốn không nhiều thì việc khởi đầu bằng việc mua lại các quán mà người ta nhượng cũng là một giải pháp tiết kiệm. Tuy nhiên, có không ít những trường hợp “dở khóc dở cười” khi lấy lại quán nhượng.

Để các bạn có thêm thông tin khi lấy lại quán chuyển nhượng PosApp chia sẻ một vài kinh nghiệm sang nhượng quán cafe trong bài viết này.

1/ Có nên sang nhượng quán cafe, nhà hàng và những rủi ro thường gặp

Để bắt đầu kinh doanh quán cafe, nhà hàng, bất kỳ ai cũng phải tiêu tốn nhiều công sức và tiền bạc để tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, thiết kế nội thất, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho quán của mình.

Với lợi thế mặt bằng có sẵn, cơ sở vật chất cũng như một lượng khách hàng trung thành, hình thức sang lại quán cafe được nhiều người quan tâm bởi tiết kiệm công sức và nhiều khoảng chi phí so với việc mở mới hoàn toàn.

Tuy nhiên đây cũng là một hình thức tiềm ẩn rất nhiều rủ ro đối với những ai chưa có kinh nghiệm. Một số vấn đề có thể bạn sẽ gặp phải khi chưa có kinh nghiệm sang quán cafe như bị người bán hét giá cao so với giá trị thực của quán, kinh doanh thua lỗ, vấn đề an ninh, rủi ro pháp lý,…

Vì vậy, trước khi đặt bút ký bất kì hợp đồng sang nhượng quán cafe nào, bạn cần phải thật cẩn thận và tham khảo tiếp những lưu ý mà PosApp trình bày dưới đây để tránh “tiền mất tật mang”.

2/ Đánh giá khi sang nhượng quán cafe

Dưới đây là những tiêu chí giúp bạn đánh giá chuẩn khi sang nhượng quán cafe.

2.1/ Thời gian khai thác hợp lý

Theo kinh nghiệm của PosApp thì thời gian sang nhượng quán tối thiểu là 2 năm. Trong 2 năm này, bạn sẽ mất ít nhất từ 3 đến 6 tháng để đưa hoạt động của quán về lại trạng thái ổn định và bắt đầu phát triển theo hướng của mình.

Thời gian sang nhượng quán đẹp nhất là 3 năm vì trong khoảng thời gian kinh doanh tại quán, bạn mà thấy không ổn vẫn có thể tiếp tục sang nhượng quán lại cho người chủ khác thay vì tiếp tục ôm quán và lỗ trầm trọng.

2.2/ Nhượng lại hợp đồng thuê mặt bằng

Sau khi bạn và người sang nhượng quán thống nhất về giá sang nhượng, thời gian thuê mặt bằng còn lại hay bạn muốn kéo dài thời gian thuê mặt bằng thì cuộc hộp này cần sự có mặt của 3 bên bao gồm chủ mặt bằng, người sang quán cafe và bạn.

Trong buổi gặp mặt này, bạn cần lưu ý những thông tin sau:

  • + Danh sách chuyển giao, chi phí,…
  • + Bên sang quán cafe kết thúc hợp đồng thuê mặt bằng và cam kết chủ cho thuê mặt bằng sẽ tiếp tục ký hợp đồng với bạn trong thời hạn X năm
  • + Người chủ mặt bằng và người sang quán cafe cần thanh lý hợp đồng thuê, trả cọc cho nhau
  • + Bạn và người chủ mặt bằng ký hợp đồng thuê mặt bằng mới

Lời khuyên khi nhượng lại hợp đồng thuê mặt bằng

Bạn nên thẳng thắng đề nghị thời hạn bạn muốn thuê thêm mặt bằng với cả người cho thuê mặt bằng và người sang nhượng quán vì căn bản là là điều mang lại lợi ích cho cả 3 bên.

Lưu ý: Trong hợp đồng nhớ phải có quy định về trường hợp bất khả kháng là sửa đường quá 1 tháng. Nếu xảy ra trường hợp này thì giá thuê mặt bằng phải giảm 30% so với gia thuê ghi trên hợp đồng. Điều này sẽ có lợi cho bạn.

2.3/ Đánh giá giá trị hữu hình của quán cafe sang nhượng

Bạn hãy bắt buộc người sang quán chuẩn bị một danh sách chuyển giao vật dụng với nội dung bao gồm: Số thứ tự, tên vật dụng, số lượng, đơn giá mua, thời gia đã sử dụng, bảo hành nếu có.

Hạn sử dụng danh sách chuyển giao này được áp dụng vào hai việc gồm:

  • + Kiểm tra chuyển giao về tình trạng sử dụng
  • + Đánh giá giá trị vật dụng theo công thức: Giá mua x thời hạn sử dụng còn lại / thời hạn sử dụng

Chú ý:

  • + Giá mua: Bạn nên kiểm tra giá cả chủ sang nhượng đưa so với thị trường có chênh lệch hay không. Cách đơn giản chính là hỏi thử giá nhà cung cấp
  • + Thời gian sử dụng còn lại và hạn sử dụng: Số này mang tính tương đối nên bạn có thể ước lượng theo tình hình vật dụng.

Ví dụ: Quán có 1 tủ mát, mua 5 triệu đồng cách đây 6 tháng, bảo hành còn 18 tháng, thời hạn sử dụng trung bình 3 năm. Giá thị trường hiện tại 4,8 triệu đồng. Vậy hiện nay giá trị của tủ mát này là:

4tr8 x (36 tháng – 6 tháng) / 36 tháng = 4 triệu đồng

Vậy đây mới là giá trị bạn có thể chấp nhận khi sang lại tủ mát thay vì cái giá 5 triệu đồng mà người sang nhượng đưa ra.

2.4/ Đánh giá giá trị vô hình của quán cafe sang nhượng

Theo định nghĩa của WIKI, giá trị vô hình có nghĩa là:

  1. Cơ hội kinh doanh sinh lợi cái này đánh giá theo chỉ số hòa vốn: 0,8 – 1,2
  2. Cạnh tranh của người khác cũng mong muốn được sang quán cafe và sự gấp rút của người sang quán: 0,8 – 1,2
  3. Khả năng phát triển mô hình kinh doanh cũ: 0,9 – 1,1
  4. Tệp khách hàng cũ: 0,8 – 1,2
  5. Nhân sự, quy trình, nhà cung cấp: 0,9 – 1,1
  6. Các báo cáo kinh doanh cũ: 0,95 – 1,05

Sau khi thực hiện một vài phép toán, nếu giá trị lớn hơn 1 thì ta đánh giá khả quan, việc kinh doanh sắp tới khá tốt. Còn nhỏ hơn 1 thì ngược lại.

Ví dụ: Giá trị hữu hình tính được = 300.000.000đ

1 = 1,05 | 2 = 0,85 | 3 = 1,1 | 4 = 1,1 | 5 = 1 | 6 = 0,95

=> Trọng số: 1,05×0,85×1,1×1,1x1x0,95 = 1,026

=> Giá nhượng = 300.000.000đ x 1,026 = 308.000.000đ

Giải thích:

1: Con số hòa phí < Số khách trung bình 1 ngày hiện tại khoảng 5% tức là khi nào kinh doanh không phải bù lỗ nên trọng số đánh giá là 1,05.

2: Người chủ quán cần sang quán cà phê gấp và cũng chưa có ai hỏi ngoài bạn nên đánh giá ở mức 0,85 vì để 0,8 thì sợ có đứa vào nó hốt.

3: Bạn có khả năng làm quán này tăng trưởng hơn người cũ nên cho mức lớn nhất 1,1.

4: Lượng khách quen của quán khá ổn nhưng họ thân với người chủ nên điểm 1,1 để phòng rủi ro họ không thích bạn.

5: Nhân sự làm việc quen với chủ cũ, nhà cung cấp cũ dễ tìm nên cho trọng số 1.

6: Chủ quán không dùng phần mềm hoặc dữ liệu phần mềm vài tháng gần đây không đáng tin nên cho trọng số là 0,95.

3/ Những lưu ý quan trọng khi sang nhượng quán cafe, nhà hàng

3.1/ Lý do nhượng quán

Đầu tiên bạn cần hiểu rõ nguyên nhân mà người chủ cũ nhượng quán. Khi họ muốn sang nhượng sẽ có trăm ngàn lý do được đặt trên bản tin rao vặt như: mới xin được việc nhà nước, sắp đi nước ngoài, tìm được việc tốt hơn,…. Các bạn chỉ cần hiểu lý do duy nhất là QUÁN Ế KHÔNG CÓ KHÁCH mới phải sang nhượng, nhớ nhé! Nếu quán vẫn kinh doanh ổn định, doanh thu tốt, thì không ai dại gì sang nhượng. Nhân viên đâu, người nhà đâu, bạn bè đâu? Tại sao miếng ngon thế lại để phần người ngoài? Vì vậy mà bạn không nên tin tưởng tuyệt đối vào các lý do họ để trên bản tin rao vặt.

3.2/ Kinh nghiệm khi trả giá

Vấn đề tiếp theo bạn cần quan tâm chính là giá cả. Khi đến giai đoạn cần sang nhượng tức là đến bước đường cùng. Đến lúc này, họ không có khả năng tiếp tục đóng tiền nhà, duy trì hoạt động kinh doanh như trước.

Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng lại hét giá trên trời, vì sao? Để may mắn gặp “gà” họ sẽ gỡ lại số tiền thua lỗ của những tháng kinh doanh trước đó. Hét giá là việc của họ, còn việc trả giá là của người mua.

Lúc này người mua phải tỉnh táo, không cần nhìn số tiền họ hét, mà phải đến thực tế nhìn đồ đạc của quán, liệt kê cụ thể chi tiết và định giá nó theo GIÁ THANH LÝ. Chứ không phải lấy nhượng mà giá đồ cũ còn đắt hơn cả mua mới nhé các bạn, HÁ MIỆNG MẮC QUAI đấy!

Ví dụ trường hợp cụ thể có thật như: 1 quán cafe dưới Hà Đông, chủ cũ họ hét 200 triệu không mặc cả, lúc sau 180 triệu không được mặc cả, cuối cùng sau vài ngày đi lại bạc mặt mòn lốp xe và thương thảo thì lấy được 40 triệu cho quán cafe đó. Một số tiền chênh lệch không hề nhỏ giữa trước và sau đúng không.

3.3/ Cẩn thận và không vội vàng

Khi có ý định lấy nhượng lại 1 quán nào đó, đừng tiếc thời gian đến thăm dò địa bàn. Bạn nên dành thời gian để tìm hiểu tình hình kinh doanh trước đây của quán. Bạn hãy đến trực tiếp quán xem tình hình họ buôn bán thế nào, lượng khách ra sao.

Sau đó, bạn có thể lân la ra hàng nước gần đấy (thông tấn xã vỉa hè) hỏi dò xem chủ nhà này là người như thế nào, quán này đã nhiều đời chủ thuê chưa, chủ thuê này làm ăn ở đây lâu chưa, quán có khách không?… 100% những thông tin này sẽ được các bà hàng nước cung cấp ngay cho bạn.

Đối với những bạn kinh doanh thua lỗ muốn sang nhượng thì nên có cái tâm, lấy giá vừa phải cho chủ mới, đã sang nhượng đừng ăn lãi nhiều quá của người ta. Còn đối với các bạn đi mua nhượng thì nên thật TỈNH TÁO và CẨN THẬN trong mọi quyết định.

3.4/ Lưu ý về thủ tục pháp lý

Khi lấy quán sang nhượng bạn cần thảo luận rõ ràng với chủ quán cũ về các điều khoản trong hợp đồng. Sau khi thống nhất thì mới đặt tiền cọc, bạn nên nhớ khi đặt cọc cũng cần phải có hợp đồng đặt cọc rõ ràng.

Bạn nên lưu ý đến hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê mặt bằng. Lúc này cần có chữ ký đồng ý của chủ nhà. Vì rất nhiều trường hợp khi thấy bạn kinh doanh có lời, chủ nhà cho thuê mặt bằng sẽ  tăng giá cho thuê.

Nếu lúc này bạn không có hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê mặt bằng hay bằng chứng nào về việc cam kết không tăng giá thuê. Thì bạn cũng sẽ gặp khó khăn và không được pháp luật bảo vệ.

Khi làm hợp đồng sang nhượng, bạn cần lưu ý liệt kê các tài sản chuyển nhượng một cách chi tiết, rõ ràng nhất có thể. Có tài sản vô hình như thương hiệu,… hay không? Tài sản hữu hình bao gồm những gì? Điều này giúp cho bạn tránh được những tranh chấp sau này.

Trên đây là một vài kinh nghiệm khi mua quán chuyển nhượng. Chúc các bạn có những thương vụ mua bán thành công!

Chia sẻ