Một công ty đang “ngắc ngoải” trên bờ vực phá sản chẳng có vẻ gì là một cơ hội đầu tư hấp dẫn. Nhưng, đó chính là cơ hội thực sự, không phải là một sự lựa chọn sai lầm nếu như nhà đầu tư nắm rõ được ưu điểm của công ty sắp phá sản đó. Mỗi công ty khi kinh doanh đều có thể gặp những rủi ro đáng tiếc, nhưng bên cạnh đó họ cũng sở hữu được những lợi thế mà chỉ riêng công ty đó mới có thể có. Nếu như nhìn nhận được đúng và biết đầu tư đúng thì chắc chắn việc mua lại công ty sắp phá sản cũng có thể được coi là một chiến lược kinh doanh.
Việc mua bán một doanh nghiệp trên bờ vực phá sản hầu như không có gì khác so với việc mua lại một doanh nghiệp thông thường. Điều khác nhau duy nhất là bạn có thể mua được với giá rất rẻ kèm cam kết trả các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính, nhưng phải đối mặt với rủi ro về việc mất trắng khoản đầu tư này nếu không vực dậy được DN. Khi chuyển nhượng, người bán không phải làm thủ tục phá sản rườm rà, mất thì giờ lại có khoản tiền đút túi. Trong khi đó, người mua thì có sẵn công ty và hóa đơn giá trị gia tăng, tư cách pháp nhân để kinh doanh, chơi cổ phiếu. Công ty sắp phá sản, sa lầy không phải là một mảnh đất màu mỡ để đầu tư, đó là sự thật, song không hoàn toàn chính xác. Một phần của thế giới đầu tư là những công ty đang trên bờ vực phá sản, nơi những cơ hội nằm rải rác với các bãi mìn. Luật pháp cho phép các công ty sắp phá sản có một thời gian nhất định để tái cơ cấu, một số ít doanh nghiệp có thể được vực dậy ngay trong thời gian này. Nhưng có thể cổ phiếu của công ty sắp phá sản vẫn bị định giá cao một cách phi lý. Trong một vụ mua lại doanh nghiệp, một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư mạo hiểm là giá trị vô hình của doanh nghiệp, dù việc xác định giá trị này rất khó khăn và mang nặng tính chủ quan. Khi xác định giá trị này, cần tập trung vào các yếu tố như hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp, mạng lưới hoạt động, các mối quan hệ với đối tác, thậm chí là giấy phép hoạt động. Chỉ khi tất cả các yếu tố này được đánh giá một cách đầy đủ, việc mua lại mới nên được xét đến. Thực tế cho thấy, trong đa số trường hợp, việc các đối tác mua lại doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính thường nhằm mục đích sử dụng thương hiệu cũng như mạng lưới đã có của doanh nghiệp. Không ít người đã kiếm được hàng tỷ USD từ việc mua lại các doanh nghiệp sắp phá sản như dòng họ Mittal (Ấn Độ), Winbur Ross. Lakshmi Mittal nổi tiếng với việc tạo lập đế chế thép ArcelorMittal sau một loạt thương vụ mua lại và sáp nhập các công ty sản xuất thép gặp khó khăn từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước tại Ấn Độ, Rumani, cho tới tận Trinidad và Tobago, kết quả là nằm trong top 5 người giàu nhất thế giới tính tới đầu năm 2008. Việc thành công của họ chủ yếu nhờ vào khả năng nhìn thấy cơ hội vực dậy doanh nghiệp sẽ bỏ tiền vào. Việc mua lại một doanh nghiệp sắp phá sản đòi hỏi không chỉ kỹ năng trong việc nhìn thấy những giá trị tiềm ẩn mà người khác không nhìn thấy, mà còn cần chiến lược tài chính và kinh doanh đúng đắn trong việc vực dậy doanh nghiệp trong tương lai. Khả năng nhìn thấy những tiềm năng của doanh nghiệp mà người chủ cũ không nhận thấy sẽ giúp bạn thành công trong việc tái cấu trúc lại doanh nghiệp sau khi mua lại. Nếu bạn chỉ bỏ tiền mua cổ phiếu của doanh nghiệp chỉ vì cho rằng nó rất rẻ thì hãy cẩn thận, vì nó có thể rẻ hơn nữa, thậm chí là mất trắng. Tại Việt Nam, chúng ta nên quen dần với việc phá sản doanh nghiệp vì cạnh tranh và phá sản luôn là hai yếu tố luôn đi kèm nhau trong nền kinh tế thị trường.
Sau đây là một số khía cạnh cần biết về cách thức, trình tự mua bán và thủ tục hoàn tất thương vụ mua bán khi nhà đầu tư mua lại công ty sắp phá sản.
Bước 1: Tìm hiểu, khảo sát về công ty đối tượng mua lại
Việc tìm hiểu, khảo sát công ty đối tượng mua lại là cần thiết nhằm loại trừ các rủi ro tiềm ẩn không được phát hiện trong quá trình đàm phán mua. Bước khảo sát này cũng giúp nhà đầu tư mua lại đánh giá đúng tiềm năng, cơ hội mà công ty mua lại có thể mang tới cho nhà đầu tư, để từ đó có những quyết định chính xác.
Bước 2: Đàm phán mua lại.
Khi đã xác định được lý do để tiếp tục xúc tiến việc mua lại, hai bên bán và mua sẽ tiếp tục cung cấp và trao đổi các thông tin, tình trạng cụ thể của công ty mua lại. Các thông tin ở giai đoạn này là cơ sở cho việc xác định chính xác giá trị của công ty mua lại cũng như những trách nhiệm và rủi ro liên quan tới công ty mua lại mà nhà đầu tư bên mua cần phải biết. Cũng ở giai đoạn này, chi phí mua lại cũng được hai bên thương thảo kỹ lưỡng, một văn bản ghi nhớ việc mua bán cũng có thể được lập.
Bước 3: Ký kết hợp đồng mua lại công ty.
Việc hai bên đã ký kết hợp đồng mua lại công ty là bước chốt chính thức để chứng minh rằng giao dịch mua bán đã hoàn tất trên thực tế. Việc tiếp theo là hoàn tất thủ tục “sang tên đổi chủ” của công ty mua lại theo quy định của pháp luật. Cũng tại bước này, hai bên mua và bán có thể tiến hành một số việc bàn giao hoạt động và tài sản công ty bị mua lại.
Bước 4: Hoàn tất thủ tục đăng ký
Giao dịch mua bán công ty chỉ được coi là hợp pháp khi các bên đã hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan. Kể từ thời điểm chứng nhận kinh doanh mới được cấp, mọi quyền và nghĩa vụ cho bên mua được chính thức xác lập hoặc thừa nhận, ngoại trừ các quyền và nghĩa vụ mà các bên đã loại trừ với nhau trong hợp đồng mua lại công ty. Sau cùng, hai bên sẽ bàn giao nốt cho nhau toàn bộ những thứ liên quan tới công ty mua lại theo cam kết.