LỢI ÍCH CỦA VIỆC MUA LẠI DOANH NGHIỆP
Mua lại doanh nghiệp là gì? Đây là một trong những hình thức của hoạt động M&A, bản chất của hoạt động này là chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp từ người này sang người khác dưới sự bảo đảm của pháp luật.
Do bản chất là chuyển quyền sở hữu nên ta có thể có hai trường hợp, đó là: chuyển toàn bộ quyền sở hữu hoặc chuyển một phần quyền sở hữu. Nói như vậy không có nghĩa là doanh nghiệp nào cũng có thể bán và doanh nghiệp nào lớn hơn cũng có thể mua lại được. Trên thực tế thì, chỉ những doanh nghiệp tư nhân mới có quyền bán lại toàn bộ doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp cổ phần thì hoạt động mua và bán lại dựa vào hình thức chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông; còn với doanh nghiệp TNHH thì mua bán dựa vào việc chuyển nhượng góp vốn trong công ty. Như vậy có thể thấy, mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những hình thức mua bán lại doanh nghiệp khác nhau.
Chọn đúng lĩnh vực.
Muốn mua một doanh nghiệp phù hợp với mình, bạn phải bắt đầu từ việc chọn đúng lĩnh vực mà mình muốn tham gia và có khả năng phát triển. Bạn nên bắt đầu với những lĩnh vực mà bạn đã biết. Hãy nghĩ thật kỹ xem lĩnh vực nào bạn thích nhất và có khả năng, kinh nghiệm nhiều nhất. Ngoài ra, hãy cân nhắc quy mô doanh nghiệp mà bạn định tìm cả ở khía cạnh nhân sự, chi nhánh/văn phòng đại diện và doanh thu. Tiếp đến, hãy xác định khu vực địa lý mà bạn muốn nhắm đến, tìm hiểu nguồn cung ứng lao động và chi phí hoạt động kinh doanh ở đó – bao gồm cả thuế và tiền lương – để chắc chắn rằng không có trở ngại gì quá lớn.
Nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp thông qua hình thức mua lại doanh nghiệp. Mua một doanh nghiệp có sẵn là sự đầu tư ít rủi ro hơn và mang lại lợi nhuận nhanh hơn so với việc tạo dựng một doanh nghiệp từ con số không. Nhưng nó cũng không phải hoàn toàn không có rủi ro và sự thành công của bạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn và đánh giá khôn ngoan của bạn về doanh nghiệp mà bạn định mua.
Một số lợi ích khi mua lại doanh nghiệp đã thành lập:
- Uy tín kinh doanh: Nếu mua doanh nghiệp đã thành lập và có thâm niên hoạt động, khi Doanh nghiệp đứng ra giao dịch với các đối tác, tất nhiên phía đối tác sẽ yên tâm hơn so với việc giao dịch với một doanh nghiệp vừa mới thành lập vài ngày trước đó.
- Tiết kiệm thời gian: Mua doanh nghiệp đã thành lập, nhà đầu tư sẽ giao dịch với đối tác được ngay lập tức, không tốn thời gian vào các công việc phải làm của doanh nghiệp mới thành lập, tránh được các rào cản về thủ tục hành chính để gia nhập thị trường. Thay vì việc gây dựng doanh nghiệp từ đầu với chi phí thành lập, mất thời gian xây dựng nhân sự, triển khai mạng phân phối… bên mua có thể mua lại doanh nghiệp để tận dụng những lợi thế của doanh nghiệp mục tiêu, giảm được các rủi ro trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất và cơ sở khách hàng ban đầu.
- Dễ dàng huy động vốn: Mua doanh nghiệp đã thành lập có tài chính tốt, nhà đầu tư có thể dễ dàng huy động vốn từ các nguồn khác nhau như: huy động vốn từ cá nhân, tổ chức khác. Ngoài ra việc vay vốn ngân hàng cũng có thể dễ dàng hơn nếu doanh nghiệp đó có sẵn các tài sản cố định, dự án đang thực hiện.
- Hệ thống: mua doanh nghiệp đã thành lập, đã đi vào hoạt động trong lĩnh vực mà nhà đầu tư mong muốn thì nhà đầu tư sẽ tận dụng được ngay toàn bộ hệ thống nhà máy, máy móc, nhân sự, quy trình, thương hiệu, khách hàng, thị trường, … đã có sẵn để phục vụ cho công việc đầu tư, mang đến nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp mới thành lập.
Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế và phục vụ mục đích của mình. Nhà đầu tư vẫn phải rà soát toàn bộ các rủi ro của doanh nghiệp hiện có như: Nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ tiền từ các đối tác, tình hình tài chính, công nợ khác,…của doanh nghiệp. Việc kiểm soát rủi ro khi mua doanh nghiệp cần có đơn vị chuyên nghiệp để thực hiện việc này.