Doanh nghiệp là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, thì các phương thức sản xuất, tổ chức doanh nghiệp ngày càng đa dạng và mở rộng. Hiện nay trên phương diện lý thuyết có khá nhiều quan niệm khác nhau về doanh nghiệp, mỗi quan niệm đều mang trong nó có một nội dung nhất định với một giá trị nhất định. Theo quan điểm của tác giả, có thể quan niệm về doanh nghiệp như sau: Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu đã định.
Trong nền kinh tế thị trường, vốn là một yếu tố và là tiền đề cơ bản cho việc hình thành và phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để bắt đầu một quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần có lượng vốn tiền tệ nhất định để hình thành tài sản cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đạt tới mục tiêu nhất định đã đề ra. Doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh. Nhằm đạt được hiệu quả sử dụng vốn cao nhất, doanh nghiệp phải biết cách tổ chức phối hợp sử dụng các nguồn vốn để tạo ra một cấu trúc tài chính hợp lý đem lại lợi ích cao nhất cho chủ sở hữu, cho doanh nghiệp. Hiện nay có nhiều cách phát biểu về cấu trúc tài chính của doanh nghiệp, có thể thấy như sau:
Cấu trúc tài chính được hiểu là tỷ trọng các nguồn vốn trong tổng giá trị nguồn vốn mà doanh nghiệp huy động, sử dụng vào hoạt động kinh doanh [38].
Cấu trúc tài chính được hiểu là cơ cấu của toàn bộ các khoản nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Cấu trúc vốn chỉ ra cơ cấu của các nguồn vốn dài hạn (cổ phiếu thường, cổ phiếu ƯĐ, trái phiếu dài hạn và các khoản vay nợ trung và dài hạn) [7]
Cơ cấu vốn là quan hệ về tỷ trọng giữa nợ và vốn chủ sở hữu, bao gồm vốn cổ phiếu ưu đãi, vốn cổ phần thường trong tổng số nguồn vốn của công ty [13].
Thuật ngữ cấu trúc tài chính được sử dụng phổ biến bởi các nhà kinh tế Pháp, còn các nhà kinh tế Mỹ thường sử dụng thuật ngữ cấu trúc vốn. Hai thuật ngữ cấu trúc tài chính và cấu trúc vốn được phản ánh mối quan hệ giữa các khoản nợ và vốn chủ sở hữu, trong đó cấu trúc tài chính đề cập đến mối quan hệ giữa “nợ và vốn chủ sở hữu phục vụ quá trình tài trợ của doanh nghiệp”, còn cấu trúc vốn được hiểu là “quan hệ tỷ lệ giữa nợ trung dài hạn và vốn chủ sở hữu.
Cấu trúc tài chính (capital structure) được hiểu là sự kết hợp của nợ và vốn chủ sở hữu mà doanh nghiệp sử dụng để tài trợ cho các tài sản của doanh nghiệp [56].
Có quan điểm khác lại xem xét “cấu trúc tài chính là khái niệm rộng, phản ánh cấu trúc tài sản, cấu trúc nguồn vốn và cả mối quan hệ giữa tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp”
Cấu trúc tài chính của một doanh nghiệp được chia thành các thành phần tùy theo thời gian đáo hạn nhằm phục vụ cho quyết định nguồn vốn doanh nghiệp. Về cơ bản, quyết định nguồn vốn bao gồm quyết định nguồn vốn ngắn hạn và quyết định nguồn vốn trung và dài hạn.
Tuy nhiên, trong quản trị tài chính chúng ta quan tâm đến quyết định nguồn vốn trung và dài hạn hơn là quyết định nguồn vốn ngắn hạn. Khi nói đến quyết định nguồn vốn, nếu không nói rõ thêm thì người ta hiểu đó là quyết định nguồn vốn dài hạn. Nợ ngắn hạn không được quan tâm nhiều đến trong cấu trúc tài chính của doanh nghiệp bởi vì nợ ngắn hạn mang tính ngắn hạn, tạm thời, không ảnh hưởng nhiều đến sự phân chia quyền quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Các khoản nợ ngắn hạn được sử dụng đáp ứng nhu cầu vốn lưu động ngắn hạn, không bị tác động nhiều bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Hơn nữa, chi phí sử dụng nguồn vốn ngắn hạn thấp hơn chi phí sử dụng nguồn vốn dài hạn, do đó khi xây dựng quyết định huy động vốn, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các nguồn vốn dài hạn. Cấu trúc tài chính, sau khi trừ đi nợ ngắn hạn sẽ cho thấy cấu trúc vốn của doanh nghiệp.
Cấu trúc vốn của doanh nghiệp là mối quan hệ tỷ lệ giữa nợ trung và dài hạn với nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Khi xem xét cấu trúc vốn của doanh nghiệp người ta chỉ xem xét đến nguồn vốn dài hạn, bao gồm nợ dài hạn và vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, theo Diamond (1991,1993) [54], Rajan (1992) và Demirguc-Kuniand and Maksimovic (1999), thực tiễn nghiên cứu ngành xi măng Việt Nam đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp trong các thị trường mới nổi chủ yếu sử dụng nợ ngắn hạn khi các ràng buộc về mặt thể chế chính sách là không hiệu quả hoặc do chi phí sử dụng vốn, chính vì thế nợ ngắn hạn được ưu thích sử dụng hơn là nợ dài hạn. Khái niệm nợ phải trả sẽ bao gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.
Sàn Mua Bán Công Ty 247