Đã từng quản lý doanh nghiệp bị phá sản có thành lập doanh nghiệp mới được không?

Căn cứ pháp lý

– Luật phá sản 2014

– Luật doanh nghiệp 2014

Nội dung tư vấn

Theo quy định  tại điểm e khoản 2 điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 thì các cá nhân, tổ chức không có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp nếu theo quy định của pháp luật phá sản.

Điều 130 Luật phá sản 2014 quy định các trường hợp cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản như sau:

” 1. Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản.

2. Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.

3. Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật này thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tácxã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tácxã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.

4. Quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với lý do bất khả kháng”

Như vậy, theo quy định của luật phá sản và Luật Doanh nghiệp thì:

– Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị không được đảm nhiệm chức vụ tương tự ở bất kì doanh nghiệp nhà nước nào nữa

– Đối với doanh nghiệp có phần vốn góp nhà nước: Người đại diện phần vốn góp không được đảm nhiệm các chức vụ quản lí ở bất kì doanh nghiệp vốn nhà nước nào nữa

– Đối với doanh nghiệp không có vốn nhà nước: người quản lý của doanh nghiệp sẽ không được thành lập, tham gia giữ chức vụ quản lí doanh nghiệp trong vòng 3 năm kể từ ngày có quyết định tuyên bố phá sản nếu có các hành vi cố ý sau:

(1) vi phạm việc thực hiện yêu cầu của Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phá sản (theo.khoản 1 Điều 18);

(2) không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ( theo khoản 5 Điều 28);

(3) Thực hiện hành vi bị cấm sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản ( theo khoản 1 Điều 48 Luật Phá sản).

Người quản lý doanh nghiệp ở đây là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, làm người quản lý doanh nghiệp sẽ do Thẩm phán giải quyết thủ tục phá sản của doanh nghiệp xem xét và ra quyết định.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 điều 130 Luật phá sản thì những doanh nghiệp phá sản vì lí do bất khả kháng thì người quản lí doanh nghiệp sẽ không bị hạn chế quyền thành lập và quản lí doanh nghiệp.

Tóm lại: Chủ doanh nghiệp bị phá sản chỉ bị hạn chế quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp nếu đủ các điều kiện sau:

– Là người quản lý doanh nghiệp

– Có hành vi cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48

– Doanh nghiệp bị phá sản không vì lý do bất khả kháng.

Nếu Chủ doanh nghiệp không thuộc trường hợp trên thì vẫn có thể thành lập doanh nghiệp mới mà không bị hạn chế thành lập trong thời gian 3 năm. Nếu chủ doanh nghiệp thuộc trường hợp bị hạn chế quyền thành lập, quản lí doanh nghiệp thì vẫn có thể thành lập doanh nghiệp mới sau 03 năm kể từ ngày có quyết định phá sản của Tòa án

Chia sẻ

Contact Me on Zalo