Cảnh giác với cổ phiếu của doanh nghiệp bị phá sản

Trong bối cảnh nhiều DN niêm yết (DNNY) đang có nguy cơ phá sản, thì sự kiện ngân hàng TNHH MTV ANZ VN công bố đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Cty CP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) đã gây ra nhiều hoang mang cho nhà đầu tư (NĐT).

Ông Chu Đức Tuấn – Phó phòng Nghiên cứu – Phân tích, CTCK Phố Wall đã có một số trao đổi xung quanh vẫn đề này.

– Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng lạm phát và lãi suất cao, khiến cho sức khỏe tài chính của các DNNY suy giảm, không ít trong số đó rơi vào tình trạng thua lỗ và đứng trước nguy cơ bị phá sản. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Trong một khảo sát gần đây của chúng tôi về triển vọng kết quả kinh doanh của các DNNY năm 2011 cho kết quả như sau: chỉ có chưa đến 3% cho rằng các DN sẽ đạt được kết hoạch kinh doanh đặt ra, khoảng 81% cho rằng triển vọng kinh doanh kém khả quan và các DN khó đạt được mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là có trên 16% cho rằng nhiều DN sẽ bị phá sản, giải thể hoặc bị thâu tóm sáp nhập trong năm. Kết quả này cho thấy NĐT đã có sự nhìn nhận thận trọng vào triển vọng kinh doanh năm nay.

Theo công bố kết quả kinh doanh (KQKD) của 628 DNNY tới thời điểm hiện nay cho thấy, có đến 101 DN đạt kết quả lỗ trong quý 2 vừa qua, chiếm tỷ lệ trên 16% tổng số DN đã công bố KQKD, với tổng số lỗ lên tới 1691 tỷ đồng. Còn theo báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm VN 2011 dựa trên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2009 và 2010 của 596 DNNY, cho biết có 1,2% DN bị xếp hạng C (hạng yếu kém nhất), trong đó 1,75% DN có thể bị phá sản vì thua lỗ và không có khả năng trả nợ. Những con số này cho thấy bức tranh đầy “gam xám” của các DNNY nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung hiện nay.

– Không ít NĐT cho rằng giá cổ phiếu đang quá rẻ và nên mua vào để đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng đánh giá được liệu DN phát hành cổ phiếu đó có khả năng bị phá sản hay không. Điều này sẽ gây ra những rủi ro gì cho các NĐT?

Trước tiên, đầu tư dài hạn là việc nắm giữ lâu dài một cổ phiếu dựa trên cơ sở hiểu biết rất rõ về DN phát hành cổ phiếu đó, dự báo khả năng sinh lời trong tương lai của cổ phiếu đó so với thị trường. Do vậy, nếu chưa có hiểu biết rõ về DN, đặc biệt là mức độ rủi ro bị phá sản của DN, thì chắc chắn chưa phải là nhà đầu tư dài hạn, mà thực chất chỉ là các nhà đầu cơ “ham cổ phiếu giá rẻ”.

Nếu NĐT đã trót mua phải cổ phiếu của DN có khả năng bị phá sản, thì chắc chắn rủi ro là rất lớn. Không chỉ rủi ro về giảm giá cổ phiếu, mà còn gặp phải rủi ro về khả năng mất thanh khoản của cổ phiếu đó, do không có ai muốn mua vào cổ phiếu đó nữa. Những cổ phiếu này cũng có nguy cơ bị đưa vào “diện kiểm soát” hay thậm chí bị đình chỉ giao dịch cổ phiếu hoặc bị hủy niêm yết trên sàn. Trong trường hợp DN buộc phải phá sản, thì các cổ đông sẽ phải chờ đợi một thời gian khá dài để thực hiện thủ tục phá sản tại Tòa án, bao gồm: Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; Phục hồi hoạt động kinh doanh; Thanh lý tài sản, các khoản nợ; Tuyên bố DN bị phá sản. Có trường hợp, cổ đông đối diện với khả năng mất hết tiền đầu tư bởi giá trị thanh lý tài sản đã bù đắp hết vào các nghĩa vụ nợ.

– Vậy theo ông, NĐT cần làm gì để tránh mua cổ phiếu giá rẻ gặp phải rủi ro phá sản?

Thứ nhất, NĐT không nên định giá cổ phiếu theo cảm tính đắt rẻ từ việc so sánh với mệnh giá hay với cổ phiếu khác cùng ngành nghề kinh doanh hoặc với cổ phiếu chung chung trên thị trường. Ngay cả việc so sánh thị giá với giá trị sổ sách cũng chưa hẳn đánh giá được thực chất mức độ đắt rẻ của cổ phiếu đó.

Thứ hai, không chỉ NĐT dài hạn mà ngay cả những NĐT lướt sóng cũng cần phải có hiểu biết về DN phát hành cổ phiếu định đầu tư vào. Không nên đầu cơ theo đám đông vào những mã “cổ phiếu lạ”. Bởi lẽ, những hoạt động đẩy giá đơn lẻ hiện nay chủ yếu nhằm mục đích “thoát hàng” đã mắc kẹt từ trước với mức giá cao, hoặc khi cổ đông nội bộ đánh giá tình trạng DN có những vấn đề bất ổn, thậm chí nguy cơ phá sản cao.

Thứ ba, với đại bộ phận NĐT cá nhân, trước khi xem xét đầu tư cổ phiếu có thể đánh giá một số chỉ tiêu cơ bản về sức khỏe tài chính của DN phát hành. Cụ thể như các tỷ lệ tiền và tương đương tiền/nợ ngắn hạn, tỷ lệ tài sản lưu động/nợ ngắn hạn, tỷ lệ vốn vay/tổng tài sản, tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu, tỷ lệ công nợ/tổng tài sản, tỷ lệ công nợ/vốn chủ sở hữu,… Ngoài ra, các NĐT cũng có thể tham khảo báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm VN với nguyên tắc tuyệt đối không nên mua cổ phiếu của DN bị xếp hạng C, hạn chế mua cổ phiếu DN bị xếp hạng B.

Thứ tư, với các nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tổ chức, có thể xem xét áp dụng các mô hình đánh giá rủi ro phá sản của DN.

– Xin cảm ơn ông!

 Theo – DDDN

 

Chia sẻ

Contact Me on Zalo