Lợi ích của hoạt động nhượng quyền thương hiệu mang lại rất lớn. Chính vì thế để đảm bảo tối đa lợi ích của bên nhận nhượng quyền cần một bản hợp đồng chặt chẽ, đúng pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hợp đồng nhượng quyền thương hiệu

1.Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự năm 2015;

– Luật thương mại năm 2005;

– Nghị định 35/2006/NĐ-CP hướng dẫn luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại;

– Nghị định 120/2011/NĐ-CP sửa đổi thủ tục hành chính nghị định hướng dẫn luật thương mại.

2.Điều kiện thực hiện hoạt động hượng quyền thương mại

Hoạt động nhượng quyền thương mại được thực hiện theo các điều kiện sau:

  1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

3.Hình thức hợp đồng

Điều 285 Luật thương mại quy định: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.

Theo đó hình thức bắt buộc của hợp đồng nhương quyền thương mại là:

– Hình thức văn bản;

– Hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương: fax, email…

4.Nội dung cơ bản của hợp đồng

Một hợp đồng nhượng quyền thương mại thường bao gồm các nội dung cơ bản sau:

  1. Nội dung của quyền thương mại.
  2. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
  3. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
  4. Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
  5. Thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại.
  6. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
  7. Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

5. Lưu ý

– Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền. Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền.

– Trước khi nhượng quyền thương mại, bên dự kiến nhượng quyền phải đăng ký với Bộ Thương mại.

6.Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại

6.1.Hồ sơ đăng ký

– Đơn đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu do Bộ Thương mại hướng dẫn.

– Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu do Bộ Thương mại quy định.

– Các văn bản xác nhận về:

Tư cách pháp lý của bên dự kiến nhượng quyền thương mại;

Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ.

Nếu các giấy tờ trên được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được cơ quan công chứng ở trong nước hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

6.2.Thủ tục đăng ký

– Gửi hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và thông báo bằng văn bản cho thương nhân về việc đăng ký đó.

– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản thông báo để Bên dự kiến nhượng quyền bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

– Các thời hạn nêu tại khoản này không kể thời gian Bên dự kiến nhượng quyền sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

– Sau khi hết thời hạn quy định tại khoản này mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối việc đăng ký thì phải thông báo bằng văn bản cho Bên dự kiến nhượng quyền và nêu rõ lý do.

 

Chia sẻ