Doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường không thể tránh được những lúc làm ăn thất bại, thua lỗ dẫn tới phá sản. Điều quan trọng nhất là chủ doanh nghiệp là phải mau chóng nhận ra lý do dẫn đến thất bại để rút ra bài học cho mình, tránh lặp lại những sai lầm dẫn tới phá sản.
Qua những thực tế thương trường có thể rút ra được các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự yếu kém, phá sản của một doanh nghiệp như sau:
1. Địa điểm không phù hợp
Khi doanh nghiệp đặt trụ sở của mình tại nơi không phù hợp với mặt hàng kinh doanh, nhất là khu vực đặt cơ sở không thuận tiện giao thông, không gần nơi tiêu thụ, không gần bến bãi, không gần nguồn cung cấp vật tư thiết bị, nhất là địa điểm bị xáo trộn làm mất đi cơ hội kinh doanh.
2. Sử dụng vốn bất hợp lý
Nhiều doanh nghiệp phung phí tiền của mình vào những chi tiêu bất hợp lý, mua sắm cơ sở vật chất và trang thiết bị không phù hợp với kế hoạch, dẫn đến dư thừa hoặc mua sắm thiết bị lạc hậu, không sử dụng hết công suất…
3. Thiếu ý chí cạnh tranh
Năng lực kinh doanh và khả năng thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào ý tưởng của sản phẩm và đưa ý tưởng vào thực tế thị trường. Giai đoạn ban đầu còn ở thế độc quyền, nhiều doanh nghiệp thường chủ quan nhưng quy luật của thương trường là khi kinh doanh thành công tức khắc sẽ có nhiều người nhảy vào cùng kinh doanh, sự cạnh tranh bắt đầu xuất hiện, nếu không điều chỉnh giá bán phù hợp, xem nhẹ việc cải tiến chất lượng, mẫu mã, bao bì và dịch vụ hậu mãi điều đó có nghĩa doanh nghiệp đã và đang đồng hành cùng thất bại.
4. Thiếu kinh nghiệm quản lý
Đây là nguyên nhân chủ yếu, bắt nguồn từ sự ỷ lại, lo ăn chơi không chịu nghiên cứu học tập hoặc thờ ơ trong việc cất nhắc người lãnh đạo doanh nghiệp không có kinh nghiệm quản lý, không hiểu biết thương trường, hậu quả tất yếu là không trụ vững trong thời gian điều hành quản lý, hoặc chệch hướng kinh doanh, lao vào những doanh vụ vượt quá khả năng của mình, điều chắc chắn thất bại sẽ xảy ra.
5. Doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn
Trong quá trình liên doanh liên kết với các đơn vị khác mà gặp phải những doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, không hoàn trả nổi, lãi chồng lên vốn ngày càng lớn, nếu vốn đó vay của ngân hàng thì sự nguy hại càng cao. Do vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi góp vốn, bán hàng trả góp hoặc bán chịu…cách tốt nhất nên có sự bảo lãnh của ngân hàng khi giao dịch các nội dung trên.
6. Không lập quỹ dự phòng tài chính
Kể cả những nhà doanh nghiệp có tài nhất cũng không tránh khỏi có những lúc phán đoán sai diễn biến của thị trường hay có những lúc chịu bất lực trước một biến động mang tính rủi ro. Những lúc đó, doanh nghiệp nhất thiết phải có những dự phòng tài chính nhất định, được tích luỹ từ lợi nhuận những năm trước. Kinh nghiệm cho thấy, nếu có biến động, tác động kinh tế lớn thì các ngân hàng, các nhà tài trợ cũng bị ảnh hưởng và họ cũng hạn chế cho vay. Kể cả khi ngân hàng không bị ảnh hưởng thì họ cũng rất cẩn trọng và không đầu tư vào các lĩnh vực đang có rủi ro. Có nguồn dự trữ tài chính, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, không phụ thuộc vào ngân hàng và tự mình vượt qua những lúc khó khăn, tránh được nguy cơ phải bán một phần hay toàn bộ doanh nghiệp.
7. Quá tin vào người khác
Nhiều doanh nghiệp thất bại và phá sản chỉ vì một nguyên nhân đơn giản là quá tin vào người khác. Họ đủ các đối tượng, từ nhà tài trợ, đối tác, nhân viên của chính doanh nghiệp đến khách hàng. Ví dụ, nếu quá tin vào ngân hàng khi bắt đầu đầu tư, nhưng nửa chừng ngân hàng lại quyết định không cho vay tiếp. Quá tin vào nhân viên của mình, doanh nghiệp có thể phải gánh chịu những hậu quả bất ngờ, thậm chí phải nhờ pháp luật hỗ trợ. Doanh nghiệp quá tin vào khách hàng cũng có thể bị từ chối nhận hàng, không chịu thanh toán đủ và đúng hạn. Một doanh nghiệp khi hợp tác, liên kết kinh doanh với bạn hàng, đối tác thường quá tin tưởng, thậm chí phó mặc cho họ. Thực ra cuối cùng, tất cả là do thiếu cẩn trọng, không có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Người chịu hậu quả chính là doanh nghiệp, thậm chí dẫn đến phá sản.
Dịch vụ làm thủ tục phá sản doanh nghiệp – Sàn mua bán công ty 247