Dưới đây là 15 bí mật giúp bạn thực hiện quá trình bán lại công ty một cách hiệu quả nhất.
Dù chủ doanh nghiệp đang nhận được một lời mời bán công ty với giá hời hay phải bán công ty vì tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn thì cũng nên lưu ý đến 15 điều dưới đây của David Finkel – đồng tác giả cuốn Scale: Seven Proven Principles to Grow Your Business and Get Your Life Back – để quá trình mua bán được tiến hành thuận lợi và hiệu quả nhất.
1. Nhận hợp đồng bảo mật và không chào mời ký tại chỗ
Bạn muốn những gì bạn chia sẻ được giữ kín và bạn không muốn người mua tiềm năng của bạn biết quá nhiều về khách hàng hoặc thành viên trong nhóm thì cần phải tạo ra một bản thỏa thuận không tiết lộ quá nhiều thông tin với các quy định rõ ràng.
Việc này sẽ khiến cho người mua tiềm năng không “nẫng” mất các nhân viên hoặc khách hàng của bạn trước khi việc ký kết bán công ty đạt được.
2. Hãy chuẩn bị trước các phương án
Nếu người mua là người cứng rắn nhưng công bằng và luôn luôn nhất quán quan điểm thì bạn sẽ khó thay đổi được các điều khoản nhưng dù sao họ cũng công bằng nên bạn cũng sẽ không sợ thiệt. Còn nếu người mua là vẫn còn chưa chắc chắn và thiếu chuẩn bị trong giai đoạn đầu, bạn sẽ cần chuẩn bị đến nhiều phương án khác nhau để đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào cũng đừng để sự phấn khích và mong muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận lộ ra bên ngoài bởi người mua của bạn sẽ căn cứ vào giai đoạn đầu đàm phán này để ra các điều kiện.
3. Khéo léo khi thông báo với những người trong công ty
Khi bạn yêu cầu giám đốc tài chính chuẩn bị tất cả những sổ sách, họ sẽ biết điều gì đang xảy ra. Bạn nên nói chuyện với họ và yêu cầu họ thuận theo ý mình.
Tiếp theo bạn sẽ phải thông báo với đội ngũ lãnh đạo và cho họ biết thu nhập của họ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều sau khi bán. Thực tế, những người mua hiểu biết nhất sẽ yêu cầu vẫn giữ hợp đồng lao động với ưu đãi tốt để giữ cho các lãnh đạo chủ chốt vẫn ở lại công ty dù nó đã bị bán.
Cuối cùng, bạn sẽ phải thông báo với toàn bộ nhân viên trong công ty khi thỏa thuận đã kết thúc.
4. Thiết lập một đội tư vấn bên ngoài cho quá trình thẩm định
Nếu bạn đang làm việc với một chủ ngân hàng đầu tư, môi giới kinh doanh có uy tín thì hãy nhờ họ tư vấn cho bạn những điều khoản có lợi nhất trong hợp đồng.
5. Chia sẻ những thông tin nhạy cảm nhất vào phút cuối
Mặc dù người mua đã ký vào thỏa thuận giữ bí mật, nhưng họ vẫn có thể làm tổn thương bạn với những gì họ biết được nên lời khuyên cho bạn là chỉ nên chia sẻ các thông tin nhạy cảm nhất sau khi người mua đã thông qua tất cả những trở ngại trước đó hoặc họ biết ít nhất họ là người mua hợp pháp.
6. Hiểu rằng đây không phải là cuộc chạy đua nước rút
Để đạt được thỏa thuận bán công ty có khi bạn phải mất cả tháng trời, thậm chí cả năm để thương thảo. Đã có trường hợp một công ty được bán với giá 40 triệu USD nhưng phải mất hơn 2 năm và 3 lần ký kết hụt mới đạt được thỏa thuận cuối cùng. Do đó đừng để sự nóng vội chi phối đến thỏa thuận cuối cùng.
7. Không “tháo chạy” quá sớm
Thông thường khi có ý định bán công ty, cảm xúc của bạn với công ty cũng sẽ không còn như trước, nhưng nếu bạn để cho hoạt động kinh doanh đi xuống vì đóng cửa công ty thì doanh thu cũng như tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ đi xuống. Điều này sẽ khiến cho giá trị của công ty bạn mất hàng triệu đô la khi đàm phán.
8. “Làm đẹp” báo cáo tài chính
Ngoài việc minh bạch các số liệu, bạn cần làm việc với giám đốc tài chính hoặc kế toán công ty để làm rõ các số liệu tài chính và tài sản công ty đang sở hữu.
Hãy nhớ rằng, người mua sẽ muốn có một bản thông tin đầy đủ về tình hình tài chính của bạn trong 3 năm gần nhất, vì vậy trước khi tiến tới đàm phán hãy “làm đẹp” các báo cáo này trước.
9. Tách bất động sản ra riêng trước khi bán, cho thuê bất động sản này trong một giao dịch độc lập
Có 2 lý do để làm điều này. Đầu tiên, bạn vẫn có thể bán doanh nghiệp của bạn nhưng vẫn giữ một nguồn thu nhập liên tục sau đó từ việc cho người mua thuê lại bất động sản của bạn. Thứ hai, trong hầu hết trường hợp, bạn sẽ có thể thương lượng được với tổng giá bán cao hơn bằng cách tách riêng bất động sản ra.
10. Lưu ý xem số liệu trong báo cáo tài chính có sai lệch với các tiêu chuẩn trong ngành đang kinh doanh
Ví dụ, một công ty dịch vụ chuyên nghiệp rất thành công với tỷ suất lợi nhuận 42%. Nếu muốn bán công ty, bạn sẽ phải giảm tỷ lệ lợi nhuận xuống để phù hợp với mức trung bình của ngành là 35%, tối đa là 40%. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chủ doanh nghiệp muốn giảm tỷ suất lợi nhuận của mình xuống nhưng họ sẽ phải hiểu rằng để tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp khi bán thì tăng tỷ suất lợi nhuận không phải là cách tốt nhất. Chủ doanh nghiệp cần phải tập trung vào tăng trưởng tổng doanh thu (tức là tăng lợi nhuận hoạt động thông qua một doanh số bán hàng lớn hơn).
11. Tránh cho phép bất kỳ khách hàng nào nắm giữ hơn 10% đơn hàng
Nếu bạn tập trung quá nhiều vào một khách hàng duy nhất, người mua tiềm năng sẽ thấy lo lắng về việc nếu để mất đi khách hàng này thì sao? Tất nhiên, bạn không phải ngừng bán cho khách hàng này nhưng hãy tìm cách để phát triển thêm các khách hàng khác.
12. Cẩn thận với các đối tác tiềm năng và xem xét trước những rủi ro
Hãy khách quan nhìn nhận công ty của bạn bằng con mắt của những khách mua tiềm năng. Điều gì khiến họ lo sợ khi mua doanh nghiệp của bạn? Những rủi ro mà họ có thể gặp phải?
Nắm được những điều này bạn sẽ biết được các để trấn an họ cũng như hạn chế được các rủi ro trong quá trình đàm phán, chẳng hạn việc người mua “bắt chẹt” về giá tiền, yêu cầu chia nhỏ tiền để trả nhiều lần…
13. Không phải tất cả người mua đều như nhau
Đôi khi lời đề nghị tốt nhất không phải là trả giá cao nhất mà còn phụ thuộc vào mức độ chắc chắn của thỏa thuận, năng lực tài chính của đối tác…
Đừng ngần ngại kiểm tra kỹ hồ sơ của các khách hàng tiềm năng ngay từ “vòng loại” một cách cẩn thận. Nếu bạn đang làm việc với một nhà môi giới kinh doanh dày dạn kinh nghiệm hay một ngân hàng đầu tư, hãy xin tư vấn từ họ.
14. Hãy giữ vững tâm huyết với công ty của bạn
Vì có khả nang sau khi đạt được thỏa thuận đối tác vẫn muốn bạn ở lại điều hành công ty.
15. Hãy chắc chắn rằng bạn nhận được sự đồng ý của phần lớn các cổ đông trước khi bán công ty
Điều này giúp bạn có một sự đồng thuận và không mẫu thuẫn về lợi ích. Hãy thông báo với các cổ đông về việc bán công ty và tranh thủ sự giúp đỡ của họ để tìm kiếm khách hàng và cùng thảo luận để đạt được thỏa thuận tốt nhất.