6 phương pháp giúp bạn phát huy kỹ năng hợp tác hiệu quả

Trang bị cho bản thân những kiến thức về kỹ năng hợp tác giúp bạn dễ dàng có được thành công trong cuộc sống.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” là câu ca dao tục ngữ thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết trong một tập thể, điều sẽ tạo nên những kết quả phi thường. Qua đây, ta có thể thấy sự hợp tác đóng vai trò quan trọng giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn.

Mỗi cá nhân cần trang bị cho bản thân những phương pháp rèn luyện kỹ năng hợp tác nhằm góp phần xây dựng một tổ chức hoàn thiện. Đồng thời, điều này cũng tạo nên sự gắn kết và dễ dàng đạt được mục tiêu trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

1. Hợp tác là gì?
Hợp tác là khả năng học tập, làm việc, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong một tập thể. Các thành viên cùng thực hiện tốt những nhiệm vụ đề ra và hướng đến mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh và động lực làm việc cho từng cá nhân, từ đó, thắt chặt mối quan hệ với nhau. Bên cạnh đó, mỗi người có thể trau dồi kinh nghiệm và hạn chế những thiếu sót qua lời góp ý của các thành viên trong nhóm và trở nên hoàn thiện hơn.

2. Các phương pháp rèn luyện kỹ năng hợp tác
Đặt mục tiêu chung
Điều quan trọng khi hợp tác là cả nhóm cần nhận thức mục tiêu chung và cam kết phấn đấu thay vì chỉ chú trọng quan điểm của từng cá nhân. Mặc khác, sự kỳ vọng rõ ràng về kết quả công việc sẽ giúp các thành viên giữ vững tinh thần trách nhiệm và phát huy hết khả năng của họ.

Lắng nghe người khác
Trong 1 số trường hợp, các thành viên có thể gặp thiếu sót khi đưa ra ý kiến. Vì vậy, bạn cần tôn trọng và lắng nghe khi họ trình bày và chia sẻ. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra những sai sót và đưa ra các góp ý cần thiết. Điều này sẽ giúp những ý tưởng trong công việc được hoàn thiện và nhóm phát triển hơn.

Ngoài ra, thái độ nghiêm túc sẽ giúp người đối diện biết rằng bạn đang thật sự lắng nghe họ. Đây cũng là cách giúp các thành viên trong nhóm có được sự tin tưởng lẫn nhau để thực hiện các nhiệm vụ tốt hơn.

Trợ giúp lẫn nhau
Bạn không nên nghĩ đến lợi ích cá nhân mà nên vì kết quả chung của toàn nhóm. Các thành viên cần phải hỗ trợ và sẵn sàng chia sẻ công việc với nhau nếu đồng đội gặp khó khăn. Điều này sẽ giúp tạo nên sự gắn bó và động lực thúc đẩy sự tiến bộ của tất cả mọi người và rút ngắn thời gian hoàn thành công việc nhóm.

Tinh thần trách nhiệm
Trong quá trình hợp tác, tinh thần trách nhiệm với công việc và nhóm cần đặt lên hàng đầu.

Khác với công việc cá nhân, nếu kết quả không như mong đợi thì cả nhóm sẽ phải cùng nhau gánh chịu trách nhiệm. Bởi vì, nếu bạn lơ là thiếu tập trung hay đổ trách nhiệm cho những người khác thì sẽ dẫn tới việc nhiệm vụ không hoàn thành đúng thời hạn. Lúc này, không chỉ riêng bạn mà cả tập thể sẽ phải gánh hậu quả. Khi đó, tất cả công sức của cả nhóm sẽ trở nên vô nghĩa chỉ vì bạn không có tinh thần trách nhiệm tập thể.

Kiềm chế cảm xúc
Trong quá trình làm việc nhóm, xảy ra mâu thuẫn là việc khó tránh khỏi bởi sự bất đồng quan điểm giữa các thành viên. Nếu cảm xúc của bạn vượt quá giới hạn cho phép thì dễ dẫn đến việc mất đoàn kết trong nội bộ và hiệu quả công việc bị giảm sút. Do vậy, bạn cần biết kiểm soát bản thân, tôn trọng năng lực, quan điểm và hành động của các thành viên khác để tạo nên sự đồng thuận, giảm thiểu xung đột và nâng cao năng suất công việc.

Tiếp thu ý kiến từ người khác
Thực tế, nhiều người thường có khuynh hướng cho rằng quan điểmcủa cá nhân là tốt nhất và khó lòng chấp nhận ý kiến của bất kỳ ai. Điều này là sai lầm, bởi vì thông qua ý kiến của người khác bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra nhiều khía cạnh của vấn đề. Vì vậy, bạn cần phải tôn trọng và tiếp thu ý kiến của các thành viên trong nhóm, trân trọng những đóng góp của người khác để bản thân ngày một hoàn thiện hơn.

Hy vọng rằng qua bài viết này, Edu2Review đã mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích. Nếu cộng thêm sự trau dồi và rèn luyện bền bỉ thì bạn sẽ dễ dàng phát huy tốt kỹ năng hợp tác và trở thành cá nhân xuất sắc trong một tập thể.

Thảo Vy (Tổng hợp)

Chia sẻ

Contact Me on Zalo